Kỹ năng tự học thực sự là một kỹ năng cần thiết nhất cho mỗi người để có thể thu nạp kiến thức, kinh nghiệm. Tuy nhiên, có một thực tế là…
- Nhiều học sinh ít khi chịu tự học tại nhà mà phải vác cặp đến lớp học thêm mỗi tối.
- Các bạn trẻ muốn học ngoại ngữ nhưng thay vì tự học, họ chọn cách đến các trung tâm đắt đỏ.
- Phần đông muốn kinh doanh online, viết blog,… nhưng thấy ngợp với lượng kiến thức mới, họ đăng ký ngay các khóa học cấp tốc.
- …
Bằng cách tìm đến những trung tâm, dịch vụ cung cấp sẵn kiến thức, bạn có thể nhanh chóng đạt được những kiến thức chuyên môn cần thiết. Tuy nhiên, đi kèm với đó là bạn đang đánh mất đi kỹ năng tự học – kỹ năng cơ bản nhất mà mình đang có! S Planet sẽ phân tích giúp bạn những gì bạn cần khám phá về kỹ năng qúy giá này của bản thân mình.
1. Sự Lệ Thuộc Tư Duy
Chúng ta có xu hướng coi nhẹ kỹ năng tự học vì nghĩ rằng cái gì không biết cứ đến trường và sẽ có người dạy …. Và như thế, các trung tâm ngày càng phát triển bằng cách mang lại cho chúng ta sự an toàn trong tư duy và đảm bảo bằng các cam kết đầu ra có cánh.
Điều này không sai! Vấn đề ở chỗ chúng ta thường bị lệ thuộc, bám víu vào các trung tâm dạy học mà không chú trọng phát triển những kỹ năng tự học vốn có của bản thân.
Sự thật là: những kiến thức chúng ta học được ở trung tâm hầu như đều có trên internet và thậm chí chúng còn chi tiết và trực quan hơn nữa.
Có nhiều thứ mà trường học, trung tâm không dạy bạn như: tư duy phản biện, tư duy logic, óc sáng tạo, cách xử trí khi đối mặt với thất bại… Những điều này bạn hoàn toàn có thể có được sau khi trải qua quá trình tự tìm hiểu, mày mò học tập kiến thức mới.
Kỹ năng tự học bao gồm việc học từ sách báo, học từ internet, học từ giao tiếp, và từ chính thất bại của bản thân và người khác. Có được kỹ năng tự học và phát triển cho bản thân, bạn sẽ làm chủ cuộc chơi!
2. Nguyên nhân đầu tiên khiến chúng ta mất kỹ năng tự học chính là chúng ta mất niềm tin vào bản thân mình.
Nếu bạn mặc định rằng bạn không thể làm điều gì đó, bạn sẽ mất đi 99% động lực để thử làm điều đó và thành công. Tương tự vậy, khi chúng ta đã cài đặt tư duy rằng chúng ta không thể tự học, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ tự học được bất kỳ điều gì. Thật! Bạn có thể bắt gặp tư duy này ở khá nhiều tình huống trong cuộc sống.
- Khi ngồi trên xe oto, chúng ta thường nghĩ “15 phút trên xe ngắn lắm, chẳng làm được gì đâu”. Và chúng ta có xu hướng lấy điện thoại ra lướt newsfeed. Nếu chúng ta trân trọng thời gian và nghĩ rằng 15 phút ngồi trên xe đủ dài, chúng ta sẽ tận dụng khoảng thời gian đó đọc một vài trang sách.
- Nếu chúng ta viết blog với tâm thế chẳng ai đọc đâu, chúng ta sẽ viết qua loa cho xong. Nhưng nếu viết với tâm lý rằng sẽ có người vào đọc, chúng ta sẽ viết theo kiểu khác.
Sự khác biệt đầu tiên chỉ nằm ở niềm tin. Vì vậy tốt nhất chỉ nên giữ lại niềm tin nào có lợi cho bản thân thôi nhé!
3. Rèn kỹ năng tự học bằng cách quản lý sự tập trung
Thời gian là một điều quý giá! Nhưng nếu thời gian gắn với sự lơ đãng thì cũng trở nên vô ích. Điều quý giá thực sự chính là sự tập trung! Và bản chất của sự tập trung thì rất hữu hạn. Ta không thể đọc hai cuốn sách cùng một lúc, không thể vừa xem phim vừa đọc báo mà vẫn hiểu cả hai.
Kiểm soát được sự tập trung của bản thân, bạn sẽ có thể đạt được kỹ năng tự học nhanh chóng. Trong thời đại bị chi phối bởi mạng xã hội như hiện nay, khả năng làm việc sâu được cho là 1 khả năng “hàng hiếm”. Và sự khác biệt của chúng ta được thể hiện ở đây!
Bạn có thể thử một số cách giúp cải thiện sự tập trung như sau:
- Phương pháp pomodoro: thiết lập đồng hồ của bạn ở 2 khoảng thời gian hẹn – 25 phút và 5 phút. 25 phút là khoảng thời gian tập trung sâu và chỉ làm duy nhất một việc, sau đó dành 5 phút để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu lại một chu kỳ mới. Không riêng kỹ năng tự học mà bất cứ kỹ năng nào cần sự tập trung, bạn đều có thể áp dụng phương pháp này.
- Chuẩn bị một tờ giấy “chống xao lãng”: Đây là tờ giấy mà chúng ta sẽ ghi ra những suy nghĩ, những ý tưởng mình nảy ra trong quá trình học tập, làm việc. Thông thường sẽ có rất nhiều suy nghĩ chen ngang khiến chúng ta mất tập trung. Việc ghi ra giúp chúng ta cải thiện sự tập trung, và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ đang làm.
- “Say no with multitasking” – nói không với đa nhiệm. Do tiếp xúc với những thiết bị đa nhiệm (những thứ có thể làm nhiều việc cùng một lúc) như smartphone, laptop,… chúng ta lầm tưởng mình cũng có có khả năng tương tự như vậy. Để khắc phục điều này, hãy rèn cho bản thân thói quen chỉ làm duy nhất một một việc tại một thời điểm thôi nhé! Chúng ta chỉ phát huy hết nội lực khi thực sự single tasking. Rèn được điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn cho kỹ năng tự học sau này.
- Bản chất của sự tập trung là tính hội tụ: Giai đoạn 10-20 phút đầu tâm trí chúng ta vốn rất lơ đãng. Nhưng chớ vội bỏ cuộc vì trạng thái đó sẽ kéo dài không lâu đâu! Đến một trạng thái hội tụ đủ thì sự tập trung mới xuất hiện. Những người hay viết lách đều hiểu điều này! Giai đoạn đầu lúc nào tâm trí cũng không thể tập trung nhưng chỉ sau 20 phút, ta có thể viết mà quên cả thời gian.
Tuy nhiên, khả năng tập trung cao độ lại như chiếc bong bóng – rất dễ tan vỡ. Chỉ cần một âm thanh thông báo từ chiếc điện thoại cũng đủ khiến ta mất đi trạng thái tập trung mà có thể mất rất nhiều thời gian mới có được (vì lúc này não bộ phải khởi động lại). Vậy thì tại sao ta không tắt hết thông báo hay cài chế độ máy bay nếu có thể đúng không nào?
4. Luôn giữ một thái độ khiêm tốn khi tự học
Nhiều người hiểu sai hoặc chưa hiểu đủ khái niệm của sự khiêm tốn! Ta thường cho rằng người khiêm tốn là người không cần nhận lời khen từ người khác, không tự khoe khoang thành tích của bản thân, không nói quá nhiều về bản thân…
Tuy nhiên đây chỉ là bề nổi của tảng bằng chìm, một phần rất nhỏ của đức khiêm tốn. Sự khiêm tốn thực sự xuất phát từ bên trong. Đó là thái độ của 1 người khi hiểu rõ sự nhỏ bé của vốn tri thức mà mình có và biết rằng mình cần phải trau dồi nhiều hơn để thực sự phát triển. Do đó, luôn giữ thái độ khiêm tốn sẽ khiến cho quá trình rèn luyện kỹ năng tự học của bạn dễ dàng đạt được thành quả hơn.
Người khiêm tốn là người không ngại hỏi những cái chưa biết, không giấu dốt; Người khiêm tốn biết sự giới hạn trong vốn kiến thức của mình và không ngừng trau dồi bản thân; Người khiêm tốn không ngại đứng lên từ thất bại; Người khiêm tốn biết tiếp thu những phản hồi từ người khác
“Biết thì biết là mình biết. Không biết thì cũng biết rõ là mình không biết. Đó mới thực sự là người biết.”- Luận ngữ
Lời Kết
Kỹ năng tự học có thể được đúc kết bằng 3 keyword: NIỀM TIN VÀO BẢN THÂN – KHẢ NĂNG LÀM VIỆC SÂU – TÍNH KHIÊM TỐN.
Phần lớn chúng ta không bắt tay làm một điều gì đó là do chưa có đủ lý do thực sự thuyết phục. Hi vọng bài viết này sẽ cung cấp lý do đủ thuyết phục giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của việc tự học để có thể bắt đầu ngay hôm nay! Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết.
‼️Đừng quên tham gia hội Chuyện Học Chuyện Hành Để truy cập kho thư viện “Siêu To Khổng Lồ” miễn phí và cập nhật các kiến thức mới nhất cũng như thảo luận cùng chúng mình. Cheers!