Website là gì? Website quan trọng đến thế sao?
Trong thời đại số bùng nổ như hiện nay, Internet là điều gì đó trở nên quá thân thuộc trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Có thể nói Wifi hay 4G giống như một thành phần trong không khí không thể thiếu được, đặc biệt đối với các bạn trẻ.
Hằng ngày chúng ta dùng điện thoại, laptop, máy tính bảng,… để giải trí hoặc tìm kiếm thông tin ở trên Internet. Chúng ta truy cập vào hàng tá các website khác nhau như facebook, youtube, google, zing, kenh14… Và càng lúc, càng có nhiều các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi Internet này thông qua nền tảng Website.
Vậy có bao giờ bạn tự hỏi website là cái quái gì mà mọi người lại đổ xô đến thế chưa? Nếu bạn đang đọc bài viết này trên Splanet.vn thì xin chúc mừng! Bạn sắp thoát khỏi kỷ nguyên của người tối cổ và tiếp cận đến thế giới của tương lai.
Nào hãy cùng Splanet tìm hiểu website là gì và ứng dụng nó như thế nào trong các chương tiếp theo!
1. Website là gì? Định nghĩa về Website
Trước khi tìm hiểu về định nghĩa thì chúng ta nên đi sâu vào bản chất của quá trình tìm kiếm trên Internet như sau:
Khi chúng ta cần tìm kiếm thông tin gì đấy, chúng ta có xu hướng là “hỏi chị Google”. Mà muốn chị Google trả lời thì thiết bị (điện thoại, laptop, máy tính bảng) của chúng ta cần kết nối đến internet qua hình thức mạng Lan, Wifi hoặc 3G, 4G,..
Ví dụ bạn đang thắc mắc muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi: Website là gì? Thì khi bạn nhập vào Google và tìm kiếm, hệ thống sẽ trích xuất hàng trăm kết quả có câu trả lời cho câu hỏi của bạn. (Nếu bạn vô tình đọc được bài viết này thông qua quá trình tìm kiếm đấy thì chứng tỏ website của mình làm SEO cũng tốt :D. Nếu bạn muốn tìm hiểu SEO là gì thì hãy tìm hiểu tại đây, nhưng nhớ đọc xong bài viết này đã nhé)
Vậy câu hỏi ở đây là: Tại sao những thông tin này lại có sẵn ở trên Internet? Và vì sao lại có nhiều website có cùng câu trả lời tương tự đến như vậy?
1.1. Định nghĩa Website là gì?
Website là tổng hợp các trang thông tin chứa nội dung dưới dạng văn bản, hình thảnh, âm thanh và video, … được lưu trữ trực tuyến trên các máy chủ (Webserver) và có thể được truy cập từ bất kỳ đâu thông qua Internet.
Hiểu nôm na là, website là một ngôi nhà ảo mà ở đó, bạn lưu giữ mọi thông tin mình muốn và người khác có thể ghé thăm và xem các thông tin đó của bạn, bất chấp vị trí địa lý. Giống như kênh youtube, facebook và tiktok của bạn vậy. Điểm khác biệt là các tài khoản đó bạn đang chơi trên nhà (website) của người khác theo dạng ở ké, và họ có thể đá đít bạn khỏi nền tảng của họ (block tài khoản, xóa kênh,…) nếu bạn ăn ở không tốt :D.
1.2. Website và trang web là một?
Bản chất là không. Nhưng theo như cách hiểu của đa số thì là đúng! Nếu hiểu đúng thì trang web (Web page) là một trang cụ thể trực thuộc website; hiển thị trực tiếp khi chúng ta mở chúng trên các trình duyệt (Ví dụ trang chủ trang giới thiệu, trang liên hệ,…)
Hiểu bản chất là vậy, nhưng chúng ta cũng chả cần quan tâm làm gì. Cái quan trọng là chúng ta có thể sử dụng chúng một cách thông minh và mang lại được những két quả nhất định.
1.3. Website, Blog, Landing page khác nhau ra sao? Các khái niệm thường bị nhầm lẫn
À, câu hỏi này khá là thú vị và câu trả lời chắc chắn sẽ mở mang cho bạn thêm nhiều kiến thức mới mẻ và hay ho. Về bản chất, Website bao gồm cả Blog lẫn Landing page.
Bạn có thể hình dung Website là trái đất chứa vạn vật, trong đó có đất đai, nước, cây cối, kim loại, động vật,… Blog và Landing page giống như các thành tố ấy.
Lý do khiến nhiều người nhầm lẫn và hoang mang là vì 2 thuật ngữ “Blog” và “Landing page” được sử dụng quá rộng rãi và phổ biến, đến mức người ta chỉ quen miệng gọi tên chúng theo bản năng. Nhưng so về bản chất, chúng đều thuộc website và khác nhau ở một số điểm. Cụ thể bạn có thể xem bảng so sánh ở dưới đây.
Nội dung | Website | Blog | Landing page |
Định nghĩa | Tổng hợp các trang chứa thông tin, nội dung được lưu trữ trên webserver | Là tên gọi khác khác của website, thiên về các website động, được cập nhật thông tin thường xuyên. | – Bản chất là 1 trang web (trực thuộc website hoặc đứng riêng) chứa các nội dung lôi cuốn để tác động đến hành vi của khách hàng – Là trang đích, điểm cuối để thúc đẩy hành vi người tiêu dùng. |
Mục đích | Lưu trữ thông tin và quảng bá đến người dùng mạng. Tạo nên mối quan hệ giữa tổ chức/cá nhân với người dùng mạng Internet.
| – Chia sẻ về tri thức, tin tức; – Được cập nhật thường xuyên cho người dùng
| – Tạo sự chuyển đổi hành vi – Thu hút sự chú ý của người dùng – Thu thập thông tin KH tiềm năng hoặc bán hàng
|
Hình thức | ALL – Website giới thiệu – Website bán hàng – Website nâng cao: Mạng xã hội, diễn đàn, TMĐT,… | – Website tin tức – Website cá nhân | – Trang bán hàng – Trang giới thiệu sản phẩm – Trang đăng ký thông tin
|
Đọc đến đây bạn đã hiểu được 3 khái niệm này chưa? 😀
2. Vai trò của Website là gì?
Khi thế giới đang dần số hóa thì Website ngày càng đóng vai trò quan trọng. Nếu ngôi nhà, công ty, xe cộ là tài sản đời thực của bạn thì có thể nói Website chính là tài sản số.
Website vừa là tài sản, vừa là phương tiện giúp cho việc làm ăn của bạn phát triển thịnh vượng hơn. Cụ thể:
2.1. Website là kênh lưu giữ thông tin, và là phương tiện truyền thông hữu hiệu
Rõ ràng là khi chúng ta có website, chúng ta có thể hệ thống hóa thông tin để mang đến cho người dùng mạng lượng thông tin trực quan và sinh động nhất.
Cho dù bạn là một Blogger hay là một chủ doanh nghiệp, Website đều đóng vai trò to lớn trong việc quảng bá thông tin, hình ảnh của bạn đến với nhiều người hơn trên Internet. Đồng thời nó sẽ giúp thương hiệu của bạn lan tỏa đến cộng đồng nhanh chóng hơn.
Khi thông tin của bạn được cập nhật trên Internet, các bộ máy tìm kiếm (phổ biến nhất là Google) sẽ đưa thông tin của bạn tiếp cận đến hàng triệu người dùng mỗi khi họ tìm kiếm thông tin liên quan mà bạn cung cấp.
2.2. Website thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua nền tảng mua hàng trực tuyến
Cái này hẳn đã không còn quá xa lạ với mọi người khi mà ngày càng nhiều người dùng có xu hướng mua hàng online trên Internet. Cùng với sự phát triển của công nghệ, con người thích sự tiện nghi và nhanh chóng.
Đó là lý do vì sao ngày nay các nền tảng thương mại điện tử phát triển thần kỳ đến như vậy. Chính vì thế, website có vai trò thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua việc giới thiệu sản phẩm dịch vụ một cách sinh động và mang tính tương tác cao.
2.3. Kiếm tiền Online
Với bản chất là một khối tài sản trên Internet, nên việc kiếm tiền từ website là một điều hiển nhiên. Ngoài các cách kiếm tiền từ sản phẩm và dịch vụ mà mình đang kinh doanh, bạn cũng có thể phát triển không giới hạn nguồn thu nhập thụ động.
Kiếm tiền từ việc cho thuê không gian đặt quảng cáo hay kiếm tiền với affiliate marketing chắc hẳn không còn quá xa lạ đối với nhiều bạn. Bằng chứng là có hàng triệu người thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm thông qua các hình thức này.
Trong bài này, mình sẽ không đi sâu phân tích chi tiết. Thay vào đó, mình sẽ có bài viết khác chuyên sâu hơn về cách kiếm tiền online từ website/blog.
Vậy, nhìn thấy những tiềm năng đó có làm cho bạn háo hức sở hữu ngay một website chưa nào? Tuy nhiên, việc thiết lập và sở hữu website là Không Miễn Phí. Thậm chí bạn phải đầu tư nuôi dưỡng nó từng ngày. Nên nếu bạn muốn bắt đầu mà không bị mất tiền oan thì hãy đọc hết bài viết này để nắm thêm nhiều thông tin giá trị nhé!
Hãy bắt đầu tìm hiểu nền tảng về Website từ cấu tạo của nó.
3. Cấu tạo của Website
3.1. Website hosting là gì
Nói một cách dễ hiểu Website hosting là nơi lưu trữ dữ liệu. Giống như khi chúng ta cần lưu trữ hình ảnh, video, các tệp tin thì chúng ta cần sử dụng các thiết bị như máy vi tính, điện thoại, USB vậy.
Điểm khác biệt là Web hosting lưu trữ trực tuyến nên ai cũng có thể truy cập vào các dữ liệu mà bạn muốn hiển thị đến với người dùng.
Cụ thể, Web hosting là nơi lưu trữ mã nguồn và các nội dung của website, bất kỳ dữ liệu nào mà chúng ta tải lên.
Và nếu hiểu Website là ngôi nhà online lưu trữ mọi dữ liệu của bạn thì Hosting chính là mảnh đất để cho bạn không gian đặt ngôi nhà đó. Và tất nhiên, nếu là mảnh đất thì bạn sẽ chịu phí thuê hàng năm.
Mẹo khi chọn thuê Web Hosting
Giống như việc đi thuê nhà hoặc thuê trọ, mặt bằng kinh doanh thì bạn sẽ quan tâm đến những điều gì? Một số lưu tâm có thể là:
- Diện tích: lớn hay bé, phù hợp cho bao nhiêu người
- Giá cả: Tất nhiên ai cũng muốn tiết kiệm rồi
- Thuận tiện: Dễ dàng kết nối với các cộng đồng xung quanh
- An toàn: Hẳn là khu văn minh và ít trộm cắp
- Thái độ chủ nhà: Có hỗ trợ nhiệt tình cho mình hay không
- …
Thì các tiêu chí để thuê hosting cũng y chang như vậy. Website là tài sản, là ngôi nhà Online thì chúng ta cũng sẽ cần:
- Dung lượng cao: có thể lưu trữ được nhiều dữ liệu
- Giá cả: Hợp lý, tiết kiệm
- Tốc độ: người dùng dễ dàng truy cập website mà không mất quá nhiều thời gian chờ
- An toàn: Tính bảo mật cao, tránh được các rủi ro hack dữ liệu
- Hỗ trợ: Giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng
- …
Danh sách các Hosting khuyến nghị
Vậy hiểu được những điều trên thì các bạn hoàn toàn có thể tìm được hosting ưng ý. Dưới đây là danh sách các hosting được đánh giá cao nhất trong cộng đồng làm website trên toàn thế giới. Nhấn vào tên mỗi đơn vị để tìm hiểu kỹ hơn kèm ưu đãi giảm giá.
- Hostinger – Hosting quốc tế siêu rẻ, các gói hosting cloud vượt trội, có bộ phận CSKH tiếng Việt. Các chương trình khuyến mãi tốt nhất. (Hiện mình đang dùng gói cloud hosting ở đây để có thể tối ưu hàng chục website cùng lúc. Nhấn vào ĐÂY để tìm hiểu thêm)
- Hawkhost – Hosting được yêu thích bởi cộng đồng MMO. Lưu trữ nhiều website cùng lúc với chi phí tiết kiệm. (Mình đang quản trị website cho khách hàng ở Host này)
- Hostgator – Sự lựa chọn thứ 2 của mình. Hosting này thì có lịch sử khá lâu đời. Và là hosting du nhập vào Việt Nam từ những đời đầu. Có các ưu đãi cực kỳ hấp dẫn, Được tặng SSL FREE.
- Bluehost – Hosting mạnh mẽ quốc tế, nên lựa chọn nếu bạn muốn có tốc độ tải trang nhanh chóng.
- HostArmanda – Hosting quốc tế với khả năng bảo mật mạnh mẽ, đi kèm cùng chứng chỉ SSL miễn phí.
- Nhanhoa – Hosting uy tín tại Việt Nam, được bộ phận kỹ thuật hỗ trợ nhiệt tình. Rất tốt nếu bạn làm website quy mô nhỏ cho đối tượng trong nước.
Lưu ý: Trên thị trường có ti tỉ các công ty cung cấp Hosting khác nhau và mỗi hosting lại có nhiều gói khác nhau. Bạn có thể chọn hosting ở bất cứ đâu. Tuy nhiên danh sách trên là các cái tên nổi bật và có uy tín trong cộng đồng người làm website (và chính bản thân mình trải nghiệm).
Cũng giống như việc đi thuê căn hộ vậy. Tất nhiên mình sẽ ưu tiên lựa chọn căn nào được đông đảo người dùng yêu thích và review 5 sao rồi, phải không nào!
Về cách chọn gói và thanh toán hosting như thế nào, mình sẽ có bài hướng dẫn chi tiết sau nhé!
3.2. Domain – Tên miền là gì
Là cái tên mà bạn nhập để đi đến một website cụ thể. Đơn giản là mỗi website sẽ có một cái tên giống như địa chỉ nhà vậy. Điều đặc biệt là, bạn có thể chủ động đặt tên địa chỉ theo sở thích (Tất nhiên nhiều người sẽ có chung sở thích nên việc trùng ý tưởng là điều khó tránh. Nên nếu bạn đến sau thì chịu khó sáng tạo hoặc biến tấu cái tên khác đi một chút nhé).
Ví dụ như website Splanet của mình, bạn chỉ cần gõ splanet.vn vào thanh công cụ thì bạn sẽ truy cập thẳng vào ngôi nhà kiến thức về kỹ năng số và kiếm tiền online rồi đó.
Lưu ý: Chi phí tên miền bạn sẽ thanh toán hàng năm. Đa số các công ty hosting ở trên đều tặng bạn 1 tên miền miễn phí năm đầu nếu bạn mua gói hosting ở công ty của họ.
Mẹo chọn mua tên miền
Giống như Google Maps, bạn chỉ có thể đến đúng nơi nếu bạn nhập đúng địa chỉ. Vì thế, hãy cố gắng tạo một cái tên đơn giản, dễ nhớ và dễ truy cập. Bạn có thể tham khảo một số mẹo sau để lựa chọn tên miền tối ưu:
- Ngắn gọn, dễ nhớ: Nếu thương hiệu của bạn khá dài thì bạn nên viết tắt để người dùng có thể truy cập tiện lợi hơn. Nếu bạn làm blog về chính bản thân thì đơn giản để tên của bạn cùng lĩnh vực bạn yêu thích.
- Đề cập đến nội dung chính mà các dữ liệu thể hiện: Điều này góp phần giúp người dùng dễ nhận diện nội dung trên website của bạn hơn. Tuy nhiên hãy nhớ đến mẹo số 1.
- Dễ đọc và dễ sao chép: Đây là kiến thức thực tế đau thương của mình 😀 Có những website của mình khi đọc cho người khác để truy cập nhưng họ không thể viết đúng. Cơ bản là vì nó dài và có các từ phụ như tố trong tiếng Anh. Ví dụ chữ “s” sẽ làm người Việt bối rối trong phát âm: truereviews247.com
3.3. Source Code là gì
Đây là phần quyết định đến thiết kế, cấu trúc và giao diện của website. Hiểu một cách đơn giản, khi chúng ta xây nên một ngôi nhà, chúng ta sẽ cần bản vẽ thiết kế, sơ đồ hệ thống điện nước, vật liệu xây dựng ..v..v…
Mà mỗi khi nhắc đến từ code, mình lại hình dung ra những anh chàng mặt cắm vào màn hình với kỹ năng đánh máy cùng những dòng lệnh trên trời mà không ai có thể hiểu được.
May mắn thay, hiện nay việc tạo nên một website là rất dễ dàng vì chúng ta đã có các nền tảng bổ trợ (Gọi là CMS). Trong số đó phổ biến nhất là WordPress, tiếp đến là Wix, Joomla, Shopify. Hay ở Việt Nam, chúng ta có Ladipage hoặc là Simplepage.
Đại loại là chỉ với một vài cú click và kéo thả, BOOM, website của bạn đã sẵn sàng với giao diện thật bắt mắt và tối ưu.
3.4. Theme (Giao diện) là gì
Thực ra Theme là một phần trong soucre code, nhưng mình sẽ đề cập riêng vì nó khá quan trọng và chúng ta làm việc trên cái này khá nhiều.
Theme (giao diện) là bộ mặt website của bạn, là những cái mà người dùng thấy khi họ truy cập vào website. Cụ thể, theme bao gồm màu sắc, bố cục, cách sắp xếp nội dung, vị trí các thành phần…
Theme giống như vẻ bề ngoài của chúng ta vậy, cụ thể hơn là trang phục. Chúng ta có thể tùy ý thay đổi dễ dàng (trên các nền tảng CMS). Thậm chí có thể tùy ý chỉnh sửa các theme có sẵn theo ý thích của chúng ta.
3.5. Plugin (Tiện ích) là gì
Plugin được hiểu như là các ứng dụng được cài thêm vào điện thoại hay máy tính của bạn vậy. Khi mua một chiếc laptop mới, chắc chắn bạn chỉ có một số ứng dụng mặc định quan trọng. Nếu chúng ta muốn chỉnh sửa video, chỉnh sửa ảnh chúng ta cần cài các phần mềm tương ứng.
Trên website cũng tương tự. Có bao giờ bạn để ý rằng có một số website có những thứ đặc biệt như ô Chat xuất hiện bất ngờ, hay nút điện thoại, zalo rung lắc gây sự chú ý, các ô cửa sổ hiện ra yêu cầu chúng ta nhập email… tất cả những thứ hay ho đó đều là Plugin.
Đối với người quản trị web, plugin cũng khá quan trọng trong việc hỗ trợ và tối ưu để website có hiệu suất tốt nhất.
Trên đây là các thành phần quan trọng nhất trong Website mà bạn cần lưu ý. Bây giờ chúng ta sẽ đi sâu vào phần giao diện hiển thị thêm nhé. Dù gì thì đây là mặt tiền cho ngôi nhà của bạn mà 😀
4. Các thành phần chính trong giao diện của Website
Như đã nói ở trên, giao diện là phần hiển thị mà người dùng tiếp xúc và trải nghiệm trực tiếp nên chúng ta cần chăm chút. Giao diện website phải đảm bảo cả 2 yếu tố thẩm mỹ và tiện lợi, vì thế việc sắp xếp giao diện bắt mắt, khoa học có tác động rất lớn đến việc thu hút người dùng ở lại trang.
Nhưng trước hết, chúng ta cần nắm được các bố cục chung để tiện cho việc chỉnh sửa các chi tiết. Khi nhắc đến bố cục, chúng ta sẽ luôn có: Phần đầu, phần thân và phần kết. Vậy trong website bố cục cụ thể như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
4.1. Header
Header là phần đầu của trang, là những nội dung xuất hiện xuyên suốt ở trên cùng của mọi trang web con. Thông thường Header sẽ chứa các nội dung mà bạn muốn làm nổi bật nhất như logo, slogan, menu, hệ thống cách kênh mạng xã hội.
Menu hiểu nôm na là bảng tóm tắt tất cả các mục nội dung ở trên website của bạn. Từ đó người dùng có thể dễ dàng truy cập đến các nội dung mà họ muốn một cách chính xác nhất.
Thường thì mọi header sẽ có 3 phần chính: top bar – middle bar – bottom bar. Trong đó:
- Top bar: chứa các trang thông tin thêm, mạng xã hội, SĐT, địa chỉ
- Middle bar: Nơi nổi bật logo và Slogan
- Bottom bar: Nơi hiển thị menu website
Chính vì có 3 thành phần nhỏ ấy nên bạn hoàn toàn có thể tùy biến, xóa bớt hoặc giữ tùy vào mục đích trải nghiệm cho người dùng.
4.2. Body/ Content area (khu vực nội dung chính)
Đây là nơi các thông tin, dữ liệu được hiển thị chi tiết và đầy đủ nhất cho người dùng. Các thông tin sẽ được bố trí một cách hợp lý nhất để thu hút ánh mắt của người xem.
Ở nhiều Website, bạn sẽ thấy những bức ảnh lớn, hoặc video, hoặc các ảnh kéo trượt (Slider) nhằm hiển thị những nội dung nổi bật nhất mà người quản trị muốn đưa đến cho người dùng.
Tiếp theo đó là nội dung chi tiết đi kèm. Tùy vào mục đích và tính năng của từng giao diện, phần body sẽ được tùy biến linh hoạt dựa theo gu thẩm mỹ, sở thích và ý định của người quản trị.
4.3. Sidebar
Siderbar là phần nằm trong khu vực Body. Đây không hẳn là phần bắt buộc. Nhưng đa số các website đều có. Nếu bạn tinh ý thì ở bên 2 cạnh của nhiều website (thường thì cạnh phải trên laptop) có thanh trượt nơi mà có một số ảnh quảng cáo, các bài viết liên quan, hộp đăng ký…
Sự xuất hiện của sidebar không những giúp website của bạn nhìn trông chuyên nghiệp, đẳng cấp hơn mà còn cung cấp trải nghiệp cho người dùng tốt hơn. Bạn hoàn toàn có thể thêm vào các công cụ hữu ích như tìm kiếm, đề xuất liên quan,…
Bên cạnh đó bạn còn có thể chèn vào các hình ảnh, quảng cáo cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Với nhiều blog cá nhân thì sự xuất hiện thông tin về bản thân bạn ở đây cũng không tồi.
4.4. Footer
Tất nhiên rồi, đã có đầu thì cũng cần có đuôi. Thực tế thì các thông tin hiển thị trên Footer rất đa dạng và tùy thuộc vào mỗi website. Vì thế để nói chi tiết thì sẽ khá là tốn giấy mực.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tham khảo mẫu thiết kế của các website khác để có ý tưởng và triển khai tương tự.
Tóm lại, việc thiết kế website cũng không khó như bạn nghĩ. Bởi vì hiện nay có hàng triệu mẫu có sẵn để bạn áp dụng. Đơn giản công việc của bạn chỉ là kéo thả, thêm, xóa bớt một số mục là được. Mình sẽ nói sâu hơn trong bài viết cách tạo website wordpress đơn giản chỉ với 10 phút đồng hồ 😀
(Đây cũng là cách để mình tạo và thiết kế website cho khách hàng trong một nốt nhạc. Cái chính vẫn là tạo nội dung và thiết kế cấu trúc website mà thôi)
5. Các nền tảng tạo website đơn giản cho dân không chuyên
Ở phần này, mình sẽ nói sơ qua về các nền tảng, điểm yếu điểm mạnh. Kèm theo đó là một số các lưu ý mà bạn NÊN biết để tránh mắc phải những sai lầm tai hại sau này.
HÃY CHÚ Ý vì những điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến CHI PHÍ của bạn sau này!
5.1. Nền tảng làm Website miễn phí
Dưới đây là một số các nền tảng phổ biến mà mọi người thường hay dùng khi tìm hiểu về website:
- Googlesites
- Blogger
- Wix
- Weebly
- Jimdo
- Mozello
- WordPress
- …
Lưu ý: Các nền tảng trả phí đều cho bạn một phiên bản miễn phí để bạn làm quen. Nên bạn có thể tự quyết định là nên làm miễn phí hay trả phí nhé. Hãy xem các ưu nhược điểm của các nền tảng miễn phí sau đây.
Ưu điểm:
- Miễn phí, không tốn tiền setup hoặc cài đặt
- Dễ thao tác và thiết lập, không yêu cầu nhiều kiến thức quản trị
Nhược điểm:
- Tốc độ chậm
- Tên miền không chuyên nghiệp, chứa các cụm từ theo sau nên khá khó chịu. Ví dụ: https://247fitnessonline.blogspot.com/
- Bị hạn chế nhiều tính năng. Bạn chỉ có thể đăng nội dung. Còn các tính năng trang trí và nâng cao thì sẽ bị giới hạn.
- Không tùy chỉnh được theo mong muốn. Tất cả đều được lập trình sẵn.
- Tính bảo mật kém.
- Khó phát triển. Khó tiếp cận đến người dùng mạng.
5.2. Nền tảng làm website trả phí
Với các nền tảng trả phí, bạn sẽ có thể tận hưởng đầy đủ các tính năng ưu việt để tùy biến và thiết kế website theo mong muốn.
Tìm hiểu các nền tảng làm website trả phí phổ biến nhất hiện nay:
- WordPress
- Wix
- Weebly
- Jimdo
- Shopify
- Mozello
Với các phiên bản trả phí thì tất nhiên bạn sẽ có thêm nhiều tính năng ưu việt rồi. Tuy nhiên để có cái nhìn toàn diện nhất hãy xem các ưu nhược điểm của nó.
Ưu điểm:
- Tên miền chuyên nghiệp, mang đậm thương hiệu của bạn
- Tùy biến mọi chức năng dễ dàng
- Giao diện có sẵn, dễ tùy chỉnh
- Tận hưởng các tính năng cao cấp
- Tốt cho SEO (Xuất hiện trang 1 tìm kiếm GG)
- Được hỗ trợ nhiệt tình khi có sự cố
Nhược điểm:
- Tốn chi phí kha khá để duy trì hàng năm
- Các tính năng nâng cao khá phức tạp, cần kiến thức cơ bản để quản trị web
- Nhiều tính năng nâng cao yêu cầu đóng thêm tiền
5.3. Các nền tảng khác
Ngày nay nhiều người làm kinh doanh chắc hẳn đã quá quen thuộc với thuật ngữ Landing Page. Trong đó Ladipage và Simplepage là 2 cái tên nổi bật trên thị trường.
Nếu bạn vẫn chưa hiểu Landing page là gì thì bạn có thể lướt lên để đọc lại nội dung ở đầu bài nhé 😀
Đây là 2 cái tên cung cấp nền tảng tạo website bán hàng đơn giản và nhanh chóng với kho giao diện có sẵn và đã được tối ưu hóa. Đặc biệt Ladipage có tích hợp cả hosting nên bạn hoàn toàn có thể tạo được website mà không quá khó khăn trong vấn đề kỹ thuật nhé.
Hiện tại, Ladipage là nền tảng tạo landing page bán hàng tốt nhất tại Việt Nam. Bạn có thể bấm vào ĐÂY để tìm hiểu thêm.
5.3. LƯU Ý khi khởi tạo Website
Đầu tiên, đa số khi bắt đầu, ai cũng sẽ chọn các nền tảng miễn phí để làm quen. Và mình hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, ở giai đoạn làm quen, bạn chỉ nên vọc vạch tìm hiểu các phần kỹ thuật liên quan đến thiết kế và cấu trúc. Bạn đừng nên chăm chút quá vào phần nội dung.
Lý do là vì sau này nếu lỡ bạn không thích nền tảng đó nữa mà muốn chuyển sang dùng nền tảng có phí khác, bạn cũng sẽ phải xây dựng lại nội dung từ đầu. Điều tệ hơn là, nội dung bạn mang sang đã xuất hiện ở trên các bộ máy tìm kiếm. Điều này dẫn đến nội dung không còn “Unique” và không hề tốt để SEO Website chút nào.
Thứ hai, Các nền tảng đóng phí tất nhiên sẽ tốt hơn các nền tảng miễn phí. Tuy nhiên các nền tảng trả phí lại cung cấp khá nhiều gói giá khác nhau. Điều này rất dễ gây hoang mang cho người mới.
Và lời khuyên của mình là hãy tham gia các gói rẻ nhất đầu tiên, sau đó nâng cấp lên tùy theo nhu cầu sử dụng. Đừng quá ham hố các chỉ số VIP PRO trong khi bạn chưa sử dụng hiệu suất hết 1/10.
Cuối cùng, hãy xây dựng cấu trúc của website rõ ràng trước khi bắt đầu. Điều này sẽ tránh website của bạn có những thứ “rác” tồn đọng trong tương lai.
6. 7 yếu tố cần tối ưu cho Website là gì – Mẹo chăm sóc Website
Trước tiên mình cần phải hiểu vì sao lại cần tối ưu cho Website.
Hiểu đơn giản là: Nội dung của bạn không phải là duy nhất trên Internet. Nội dung bạn sản xuất không ít thì nhiều sẽ trùng chủ đề với các cá nhân, tổ chức khác. Ví dụ bạn yêu thích Fitness và bạn có bài viết chia sẻ về mẹo giảm cân. Nhưng vấn đề là làm sao bài viết của bạn có thể lên TOP để hiển thị đến người dùng khi mà trên thị trường đã xuất hiện nhiều bài đăng tương tự?
Khi làm Website, bạn sẽ nghe rất nhiều đến SEO. SEO là chìa khóa giải đáp thắc mắc trên cho bạn. Mà để quá trình SEO được tốt thì tất nhiên bạn cần chăm sóc Website cho thật kỹ.
Dưới đây là một số các yếu tố cơ bản để giúp website của bạn ghi điểm trong mắt Chị Google nhiều hơn.
6.1. Nội dung
“Content is King” – Nội dung là vua. Chắc hẳn bạn đã nghe qua câu nói này ở đâu đó rồi chứ.
Trong Marketing nói chung, nội dung là yếu tố cốt lõi để thu hút và thúc đẩy khách hàng hành động. Ở trong Website, nội dung còn được gắn thêm nhiệm vụ “kĩ thuật” để đưa bài viết lên Top.
Đúng vậy, đó là lý do vì sao cụm từ “content chuẩn SEO” lại nhan nhản đến vậy. Nội dung cho website ngoài việc cung cấp các thông tin hữu ích, chi tiết cho người dùng, còn lồng ghép các kỹ thuật từ khóa, phân bổ nội dung, đi liên kết trong – ngoài,…
Tìm hiểu thêm về cách viết bài content chuẩn SEO cho người mới ngay nhé!
6.2. Meta description
Đây là phần mô tả, giới thiệu về website của bạn. Với việc cung cấp phần mô tả cho website (thường không quá 160 từ), Google sẽ hiểu website của bạn đang nói về chủ đề gì.
Từ đó, kết hợp các yếu tố để nâng hạng website của bạn mỗi khi người dùng tìm kiếm nội dung có liên quan.
6.3. Hình ảnh/ videos
Là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và trên Website.
Thật là tẻ nhạt và vô vị nếu như cuộc sống không có những sắc màu, phải không nào? Trên Website cũng tương tự. Việc sử dụng sáng tạo hình ảnh trên các trang lẫn trong bài viết sẽ giúp người đọc cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn so với việc đọc nguyên cả bài tài liệu.
Ngoài ra, việc điền thông tin cho hình ảnh (thêm tiêu đề, mô tả, alt,..) sẽ giúp các bộ máy tìm kiếm đọc được các nội dung liên quan đến chủ đề website. Từ đó đánh giá Website cao hơn.
Tuy nhiên, hình ảnh/ video chiếm khá nhiều dung lượng và dẫn đến tốc độ tải trang giảm xuống. Vì thế hãy tối ưu hình ảnh cho website trước khi tải lên nhé.
Bản thân mình sử dụng tiện ích có phí là Imagify để tự động tối ưu mọi bức ảnh mà mình tải lên. Tiết kiệm nhiều thời gian và công sức.
6.4. Tốc độ Website
Rõ ràng, không ai muốn phải chờ đợi trong thế giới hối hả này cả, đặc biệt là trên Internet. Đừng bắt người dùng phải đợi quá lâu để tải trang vì họ có thể thoát ra bất cứ lúc nào để đến với trang web khác.
Cải thiện tốc độ trang còn có vai trò rất lớn trong việc xếp thứ hạng của trang. Website có tốc độ cao sẽ được người dùng ưu ái. Vì thế mà tỷ lệ thoát trang web thấp. Dựa vào đó, thuật toán của Google sẽ ưu ái những trang có chỉ số này hơn.
Tốc độ sẽ phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố như: Hosting, source code, cấu trúc, giao diện, plugins… Vì thế hãy cố gắng tối ưu từng chi tiết một nhé.
Một số công cụ mà bạn có thể sử dụng để kiểm tra tốc độ là:
- Page insights – https://developers.google.com/speed/pagespeed/insights/?hl=vi
- GT metrix – https://gtmetrix.com/
6.5. Giao diện
Là mặt tiền của Website, giao diện có nhiệm vụ quan trọng trong việc quyết định chỉ số trải nghiệm của người dùng. Việc tối ưu giao diện không chỉ đơn thuần là việc trang trí cho website được bắt mắt, đẹp đẽ. Mà nó còn là cách sắp xếp, bố trí thông tin một cách khoa học và trực quan.
Chính vì thế, khi làm Website, bạn nên cố gắng đặt mình vào người dùng để hiểu các tiêu chí và yêu cầu khi người dùng tìm đến website của bạn. Và bạn cũng nên đặt ra câu hỏi làm thế nào để giữ người dùng lâu hơn ở trên ngôi nhà Online của bạn.
6.6. Các đường liên kết nội bộ (Urls)
Chỉ số này tuy nhỏ nhưng thực sự có võ. Chỉ với một đường link tưởng chừng như rất đơn giản nhưng nó sẽ giúp ích khá nhiều trong công cuộc tối ưu Website chung. Cụ thể là:
- Đường link ngắn gọn, rõ ràng sẽ có được thiện cảm từ người dùng. Một đường link chằng chịt các ký tự sẽ làm người ta liên tưởng ngay đến virus hay điều gì đó nguy hại.
- Sự xuất hiện của từ khóa trên đường link giúp Các con bọ tìm kiếm từ Google và các bộ máy tìm kiếm khác có thể xem xét dữ liệu để đề xuất nội dung của bạn lên top.
Ngoài ra, hãy liên kết các bài viết lại với nhau để tăng tính thống nhất và kết nối nội dung cho Website.
6.7. Xây dựng hệ sinh thái cho Website
Nếu bạn đã từng đọc qua bài viết “Cách tạo thương hiệu cá nhân: 5 yếu tố cốt lõi + 8 bước!!” thì bạn sẽ biết được tầm quan trọng của cộng đồng.
Website chỉ là một kênh truyền thông, nhưng có thể đại diện cho cả thương hiệu của bạn. Vì thế, muốn phát triển website thì bạn cần xây dựng cho nó hệ sinh thái.
Hệ sinh thái này không chỉ giúp thương hiệu tiếp cận đến nhiều người dùng hơn mà còn thể hiện với Google rằng website của bạn “không phải dạng vừa đâu”. Và chắc chắn, Chị Google cũng sẽ nhìn nhận để tăng thứ hạng cho website của bạn.
Kết Luận
Kiến thức về làm website thì khá nhiều và mình không thể bao trùm hết trong một bài viết được. Trên đây chỉ là các thông tin cơ bản để giúp bạn hiểu thêm về website cũng như các thành phần cơ bản của nó.
Nếu bạn nghiêm túc nghiên cứu để tạo cho mình một Website, đừng quên đọc tiếp bài “Kinh nghiệm tạo và xây dựng website – Biết thế đỡ tốn tiền” nhé! Ở đó mình sẽ chia sẻ chi tiết các mẹo cũng như thủ thuật để tối ưu chi phí cho bạn tốt nhất.
‼️Đừng quên tham gia hội Chuyện Học Chuyện Hành Để truy cập kho thư viện “Siêu To Khổng Lồ” miễn phí và cập nhật các kiến thức mới nhất cũng như thảo luận cùng chúng mình. Cheers!
Xem thêm:
Cách viết content thu hút: 3 bước và 4 công thức viết content lôi cuốn khách hàng
Từ khóa:
website là gì,
tìm hiểu về website,
kiến thức về website